Hàng loạt nhà máy điện than phía Bắc phải dừng hoạt động một số tổ máy do không đủ than. Nguy cơ thiếu điện chực chờ, do việc huy động từ các nguồn khác đều khó khăn.
Trong khi đó, việc mua than của các nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc hiện chủ yếu đều phụ thuộc vào hai nguồn cung ứng là Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
TKV không đáp ứng
Ông Lê Duy Hạnh - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh - cho biết hoạt động của đơn vị hiện nay đang khó khăn vì khan hiếm nhiên liệu. Năm 2018 nhà máy cần khoảng 3,4 triệu tấn than. Theo quy định, hiện chỉ có hai đơn vị được cung cấp than cho nhà máy là TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Theo ông Hạnh, kể từ ngày 17-11 đến nay, hai tổ máy số 1 và số 2 của nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu than. Ước tính mỗi ngày Nhiệt điện Quảng Ninh đang bị thiệt hại hơn 10 triệu kWh.
"Để đảm bảo sản xuất cho nhà máy, công ty có nhu cầu mua bổ sung khối lượng khoảng 200.000 - 250.000 tấn để đảm bảo sản xuất cho quý 4. Tuy nhiên bên bán là TKV không đáp ứng" - đại diện Nhiệt điện Quảng Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Thường Quang - tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng - cũng cho biết mục tiêu sản lượng điện sản xuất trong năm 2018 của đơn vị là 7,1 tỉ kWh nên lượng than nhiên liệu cần cung ứng là khoảng 3,4 triệu tấn. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị này mới được TKV và Tổng công ty than Đông Bắc cung ứng hơn 2 triệu tấn.
"Có những ngày chúng tôi chỉ được cung cấp 2.000 - 3.000 tấn, trong khi để 4 tổ máy (công suất 300 MW/tổ) hoạt động hết công suất lên tới 12.000 tấn/ngày" - ông Quang chia sẻ và đánh giá việc cung ứng than hiện nay đang theo kiểu nhỏ giọt, các tổ máy của Nhiệt điện Hải Phòng sẽ chỉ có thể cầm cự thêm được 4-5 ngày là buộc phải dừng hoạt động.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình cũng đang bắt đầu có dấu hiệu thiếu nguồn. Theo ông Trịnh Văn Đoàn, tổng giám đốc Nhiệt điện Ninh Bình, hiện nhà máy mua than chủ yếu của Tổng công ty Đông Bắc với khối lượng đã ký năm nay là 300.000 tấn. Mặc dù đã được giao theo hợp đồng là 260.000 tấn nhưng lượng tồn kho đang giảm, nên nếu nhà máy huy động chạy hết công suất thì sẽ không có đủ nguyên liệu để đáp ứng.
"Mặc dù nhà máy chỉ chạy 75% so với công suất thiết kế, nhưng so với các năm trước thì năm nay nhà máy vận hành nhiều hơn khoảng 20%. Nguyên nhân là do tình hình thủy văn kém, các nhà máy thủy điện khó huy động được, thêm các nhà máy khí không ổn định, nên các nhà máy nhiệt điện than được huy động nhiều hơn" - ông Đoàn nói.
Xác nhận với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện nay nhiều nhà máy nhiệt điện than đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung ứng, dẫn tới một số nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động một số tổ máy.
Theo đó, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương cũng như báo cáo Chính phủ để có giải pháp nhằm bổ sung khối lượng than cho các nhà máy đang thiếu để đảm bảo sản xuất điện.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng - một trong những nhà máy đang chịu áp lực thiếu than - Ảnh: THANH HƯƠNG
VN đã thiếu than
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện TKV cho biết hiện đã cấp đủ số lượng than cho một số nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng đã ký.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 11-11 của tập đoàn này với Bộ Công thương về kế hoạch cung cấp than cho sản xuất điện đến năm 2030, TKV cho biết trong 10 tháng đầu năm đã cung cấp 23,684 triệu tấn, vượt 19% so với cùng kỳ năm 2017.
Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều có nhu cầu sử dụng than tăng cao, do được huy động phát điện ở mức cao, nên TKV đã điều chỉnh tăng thêm gần 2 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu.
"Việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng thời vào cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.
Dự kiến tháng 11 và 12-2018 nhu cầu tăng cao, TKV sẽ cố gắng cấp than, nhưng không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho theo nhu cầu, mà phải ưu tiên cho nhà máy nhiệt điện vận chuyển bằng đường thủy và khu vực phía Nam. Năm 2018 dự kiến cung cấp khoảng 28,5 triệu tấn, tức tăng 20%" - TKV cho hay.
Theo TKV, năng lực sản xuất của TKV theo các giấy phép khai thác than hiện có chỉ đạt từ 36 - 37 triệu tấn than sạch. Kế hoạch cho năm 2019, nhu cầu than cho nhà máy nhiệt điện dự kiến tăng cao với trên 37 triệu tấn.
Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết việc cân đối than sản xuất trong nước cho các hộ tiêu thụ hiện đã không đủ, nên từ năm 2019 TKV phải nhập khẩu than về pha trộn với than sản xuất trong nước để cung cấp. Do đó, việc cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện đến năm 2030 là cấp bách và TKV xác định phải nhập khẩu than mới đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu sản xuất điện.